Ở những xã hội phát triển hơn, mức độ tư duy / tinh thần của con người sẽ ở những tầng cao hơn, con người sống bớt thực dụng / bản năng, con người biết học hỏi và vận dụng tri thức, cao hơn nữa là biết sử dụng tư tưởng như một sức mạnh, hướng tới, thuận theo tự nhiên như một phương cách sống văn minh.
TINH THẦN là gì? Tinh thần là nguồn nội lực của con người, phản ánh sức mạnh của ý chí và trí tuệ trước các biến động của thế giới khách quan bên ngoài. Tinh thần được thể hiện qua trình độ nhận thức và trải nghiệm sống, mang các đặc tính đối nghịch của sự thuận / nghịch, tích cực / tiêu cực , lên cao / xuống thấp và là căn nguyên cho việc đưa ra các quyết định hành động của con người. Dựa trên trình độ trí tuệ và sức mạnh ý chí, tinh thần được phân thành 5 độ : Thực dụng – Trí tuệ – Tư tưởng – Lý tưởng – Tâm linh. Tinh thần sống phản ánh trình độ phát triển chung của xã hội. Một dân tộc phát triển, có trình độ dân trí cao đồng nghĩa với việc tinh thần sống cao và ngược lại.
Đối với từng cá nhân, ở các tầng tinh thần thấp con người rất dễ rơi vào những cặp cảm xúc đối lập, như một vòng luẩn quẩn của cuộc sống mà con người cuồng quay trong đó. Đi dần lên những tầng tinh thần cao hơn, con người sống có chính kiến, thiên kiến hơn, từ đó nhất quán hơn trong hành trình đạt đến con người tự do.
Tinh thần sống thực dụng : được > < mất – hạnh phúc > < khổ đau
Tinh thần sống có trí tuệ : đúng > < sai – hả hê > < thất vọng
Tinh thần sống có tư tưởng : Thấu thị, nhất quán
Sống có lý tưởng : Quên thân, phụng sự
Sống tâm linh : Giác ngộ, hướng Thượng
Tầng tinh thần thứ 1: THỰC DỤNG
Đây là mức độ tinh thần sơ khai, nguyên thuỷ và phổ biến nhất trong XH loài người. Ở mức độ này, con người sống bản năng, “tính con” cao hơn “tính người”. Ứng với tháp nhu cầu MASLOW là tầng đầu tiên – nhu cầu sinh lý, con người đưa ra quyết định dựa trên các cảm xúc “yêu – ghét” và hành động vì mục đích “được – mất” vì vậy luôn bất ổn trong những tâm trạng buồn vui, hạnh phúc khổ đau lẫn lộn. Ví dụ, chàng trai si mê cô gái và được cô gái đáp lại tình cảm thì rất phấn khích, hạnh phúc, đến lúc cô gái dành tình cảm cho người khác lại sinh ra khổ đau, tiêu cực. Ở tầng tinh thần này, tính lợi ích được đặt lên trên hết, sự được – mất rõ ràng. Sống ở tầng thực dụng, con người sống tồn tại, sinh tồn, sống trong ngũ dục với mọi sự hỉ nộ ái ố. Trong cuộc sống xã hội là sự mưu sinh và mưu cầu lợi ích cá nhân, thoả mãn cá nhân.
Tầng tinh thần thứ 2: TRÍ TUỆ
Ở tầng cao hơn này, con người đã biết suy nghĩ vượt ra khỏi lợi ích vị kỉ nhỏ bé của bản thân mà đã sống “khôn hơn”. Con người đã biết lấy tri thức làm niềm vui thích và dấn thân tìm kiếm những hiểu biết từ bên ngoài thay vì chỉ chăm chăm thoả mãn bản thân. Con người có tri thức đồng nghĩa với việc đã hướng tới việc xây dựng cộng đồng sống văn minh hơn. Đây là điều mà ở các loài khác không thể làm được. Bằng sự sự sáng tạo của trí tuệ, con người thiết định nên các tiêu chuẩn và sử dụng kinh nghiệm, kỹ năng để giải quyết các vấn đề. Con người cũng dùng tri thức để cư xử với nhau có VĂN HOÁ hơn, tạo nên XH lành lạnh, phát triển, công bình hơn. Mức độ đáp ứng tối đa ở tầng tinh thần này là sự thoả mãn về chất lượng cuộc sống hơn là cảm xúc cá nhân. Sống có TRÍ TUỆ con người đã tự nâng mình lên một đẳng cấp cao hơn. Tuy nhiên, ở tầng tinh thần thứ hai này lại tồn tại mặt hạn chế nhất định do sự nhìn nhận của con người về xã hội, sự vật hiện tượng, các vấn đề là khác nhau. Cùng một vấn đề con người luôn có nhiều cách thức tư duy, định kiến khác nhau. Sự ĐÚNG – SAI được hình thành rõ ràng trong ý niệm của họ và sẽ khiến họ cảm thấy đau đầu, bế tắc nếu như kết quả không như họ mong muốn.
Tầng tinh thần thứ 3: TƯ TƯỞNG
Hành động bằng tư tưởng là một tầng cao trong tháp tinh thần của XH loài người. Tỉ lệ những con người đạt tới tầng tư tưởng rất hiếm, chưa đến 0.1 % dân số, tức là trong hàng ngàn người mới có một người. Để có thể sống bằng tư tưởng, con người đã phải vượt qua rất nhiều cám dỗ cá nhân từ những nhu cầu đáp ứng tính dục. Con người có tư tưởng sống nhất quán với chính kiến và con đường của mình và không bị sa vào việc tranh luận nhằm mục đích thoả mãn cá nhân hay lợi ích nhỏ. Thường những người sống ở tầng này là những cá nhân thành đạt trong xã hội, là những doanh nhân, chính khác, nhà trí thức lớn đã định hình rõ lối sống của họ. Không chỉ thế, những người có tư tưởng lớn còn sống ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh và có khả năng hấp hút sự tương tác từ rất cá nhân khác. Ví dụ như các nhà triết học mang tư tưởng phương Tây và các nhà triết học mang tư tưởng phương Đông. Nếu có mâu thuẫn ở tầng tinh thần này, thì đó chính là mâu thuẫn giữa những hệ quan điểm, tư tưởng mang tính cộng đồng và thời đại, như tư tưởng của Aristotle về Mặt trời quay quanh trái đất mâu thuẫn với tư tưởng của Galileo trái đất quay quanh mặt trời.
Tầng tinh thần thứ 4: LÝ TƯỞNG
Nói tới lý tưởng, chúng ta hình dung ngay tới điều gì đó rất cao đẹp, vĩ đại, mang tính cách mạng thay đổi xã hội. Ví dụ như lý tưởng cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa… Vì vậy những người mang trong mình lý tưởng là những người có hoài bão rất lớn lao. Đối với những chính khách có tham vọng trở thành “vua” của đất nước, người đứng đầu quốc gia, lý tưởng là khái niệm chính trị có thể coi là công cụ hữu ích để đưa ra, thổi vào cộng đồng tạo nên sinh khí, làn sóng mang năng lượng tinh thần của đảng phái họ, cá nhân họ dẫn dắt số đông dân chúng đi theo. Đối với một người bình thường, tinh thần của lý tưởng sẽ không có cơ hội được dùng tới. Vì vậy, nếu ai đó nói với bạn về một lý tưởng, bạn phải thật thận trọng bởi biết đâu bạn đang được tiếp chuyện với một chính khách vĩ đại trong tương lại?!!
Tầng tinh thần thứ 5 : TÂM LINH
Tâm linh là một phạm trù của đức tin, là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần con người, hình thành nên tín ngưỡng trong các cộng đồng dân chúng. Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng có tâm linh và tâm linh của ai cũng đúng. Mặc dù phạm trù tâm linh đề cập đến những khái niệm siêu hình nhưng lại là phản ánh cao nhất về trình độ nhận thức của con người, Nhà bác học nổi tiếng A. Einstein đã nói rằng “người bình thường thì tin vào khoa học, các nhà khoa học lại tin vào Thần“. Có thể khẳng định rằng, người có đời sống tinh thần tâm linh đúng đắn phải là người có nhận thức sâu sắc về khoa học. Bởi tâm linh là phạm trù siêu hình trừu tượng, rất dễ dẫn dắt con người ta đi đến những hành động sai trái. Một người có tôn giáo hay đời sống tâm linh sẽ thấy bản thân được giác ngộ, được giao hội tinh thần với các đấng trên cao, được nhận sự bảo hộ và che trở của các vị thần mà tâm hồn thanh cao, hướng thượng hơn. Hành trình tâm linh cũng là hành trình cao nhất, xa nhất trong đời sống của con người mà ai đã thực có trình độ cao đều mong hướng tới.