Trang chủ » 2018 » Tháng 5 » Con đường đến hạnh phúc

Con đường đến hạnh phúc

Chúng ta đang theo đuổi hạnh phúc, có khi nào chúng ta dừng lại và tự hỏi hạnh phúc thật sự là gì?

Chúng ta thường hướng ra thế giới bên ngoài để tìm kiếm hạnh phúc từ tình càm, tiền bạc, công danh, lạc thú,…những thứ đó làm chúng ta hạnh phúc nhưng thứ hạnh phúc đó không bền và cũng có thể khiến chúng ta đau khổ khi mất đi, như một lẽ thường tình của cuộc đời…được – mất, hạnh phúc – khổ đau. Cho đến khi trải qua đủ điều thống khổ của một kiếp nhân sinh, ta mới ngộ ra được rằng, hạnh phúc chỉ đơn giản là lúc lòng ta tĩnh lặng, không gợn chút ham muốn, sân si, là lúc ta bình yên…với chính mình.

Chúng ta cứ lao vào cuộc đời với ý niệm cho rằng ta có thể tìm được hạnh phúc trong cõi đời này. Cho đến lúc gần đất xa trời, nhiều người cũng không buồn hỏi rằng ý niệm đó có đúng không? Thật sự là chúng ta chẳng bao giờ chịu ngừng lại để suy nghĩ…lúc nào chúng ta cũng nghĩ rằng mình gần đạt được điều mình mong mỏi, mình gần đạt đến hạnh phúc. Chúng ta chỉ chịu dừng chân khi nào bị cuộc đời hắt hủi, giày vò. Ramakrishna – Một vị Thánh của Ấn Độ giáo cho rằng đó là việc dĩ nhiên và giải thích bằng giấc mộng. Trong giấc mộng, nếu ta chỉ gặp những điều thích thú, chúng ta vẫn mơ mộng mãi và chỉ giật mình tỉnh giấc khi gặp những chuyện đau buồn. Một cuộc đời êm đẹp không tiện cho sự suy tư về các vấn đề quan trọng, nhưng nếu là mộng thì chắc chắc cũng phải có lúc tỉnh. Trong nhiều năm ròng rã, chúng ta cố tìm ra hạnh phúc, và nhiều lần tưởng đã đạt được nó để hưởng một cách lâu bền. Nhưng lần nào ta cũng thất vọng. Sau đó ta lại tiếp tục chạy theo ảo ảnh đó như trước. Nếu biết dừng chân suy nghĩ, ta sẽ thấy chúng ta đang đuổi theo hạnh phúc nhưng lại không hề biết đến bản chất thực sự của nó, và không biết phải dùng phương tiện nào để đạt được nó. Vậy hạnh phúc là gì?

duong-den-hanh-phuc
con đường đến hạnh phúc an yên

Trải qua một đời trầm luân ta mới nhận ra, tất cả những gì cuộc đời mang lại cho ta đều là vô thường, chỉ có những khoái cảm nhất thời chứ không có sự lâu bền, mãi mãi. Những khoái cảm nhiều và đến với ta như dòng nước chẩy, chúng ta tưởng đó là hạnh phúc và kết luận rằng bao giờ dòng khoái cảm đó còn tiếp tục đến với ta thì chúng ta còn được hưởng hạnh phúc. Suy ngẫm kỹ thì khoái cảm chẳng qua chỉ là phản ứng của lòng ta trước sự vật bên ngoài, nó lôi cuốn chúng ta. Các sự vật này khi thì tạo vui, lúc thì gây khổ. Cùng một sự vật, sự việc cũng có thể tạo vui hay gây khổ tùy lúc. Nếu có được nhiều điều bên ngoài là hạnh phúc thì chúng ta phải càng hạnh phúc hơn khi có nhiều sự vật mới đúng chứ. Thật sự, người giàu có, lắm vật chất chưa chắc đã hạnh phúc hơn kẻ nghèo. Nói cách khác, kẻ nghèo ít của cải chưa chắc kém hạnh phúc hơn người giàu. Bởi thế chúng ta có thể theo đuổi những vô thường đó tới khi nào? Chúng ta có giữ mãi những thứ vô thường bên mình để hạnh phúc được hay không? Cũng tới lúc ta phải ngộ ra rằng “hạnh phúc” không có ở sự vật bên ngoài.

Những người tìm hiểu một cách chân thành sớm muộn gì cũng thấy hạnh phúc nằm ở ngay nội tâm ta. Các khoái cảm không có tính cách tư hữu mà chỉ là một tia nhỏ của hạnh phúc chân thật thuộc bản tính tự nhiên của con người, bị che lấp bởi vô minh. Có lẽ chúng ta khó chấp nhận quan niệm này, nhưng ít ra cũng tin rằng những nỗi vui hay buồn tùy ở chúng ta nhiều hơn là do sự vật bên ngoài. Dù sao sự chấp nhận này cũng chưa đủ đem lại cho chúng ta hạnh phúc, vì có 2 nỗi đe dọa: sự HAM MUỐN và SỢ HÃI. Chúng ta càng ham muốn thì càng sợ hãi, và càng sợ hãi lại càng đau khổ. Thay vì diệt trừ những đe dọa này thì chúng ta lại quỵ lụy trước chúng, để chúng dẫn dắt ta đi. Khi ham muốn lên tiếng “hãy đạt được vật đó đi, rồi sẽ sung sướng”, thì chúng ta tin tưởng và tìm mọi cách đạt cho kỳ được vật đó. Nếu chúng ta không đạt được thì đau khổ, nếu đạt được rồi thì ham muốn lại thúc giục chúng ta đạt được một vật khác nữa. Thế mà chúng ta vẫn không thấy mình bị lừa gạt chút nào. Quả là ham muốn như lửa đỏ, càng cháy dữ thì càng phải đổ thêm dầu. Khi nào chúng ta còn là nô lệ của dục vọng, khi đó chúng ta không sao đạt được hạnh phúc thật sự. Nếu có được lại sợ mất đi, càng có nhiều càng lo nhiều. Vậy nên, muốn có hạnh phúc thực sự chúng ta phải vượt được ra khỏi sự ham muốn nguyên thủy và sự sợ hãi.

Hành trình về Phương Đông

Trang chủ | Update: 19/03/2020

Gửi mail Chia sẻ

Chia sẻ của bạn